Nếu các bạn đã từng chạy xe theo đoàn, chắc hẳn ai cũng hiểu được sự cần thiết của một thiết bị liên lạc, giúp cho việc báo hiệu và trò chuyện từ xe này qua xe khác hoặc giữa xế với ôm trở nên dễ dàng hơn, bởi ra hiệu bằng tay chỉ hữu ích khi người ra hiệu đi phía trước, còn nếu đi phía sau cuối thì gần như sẽ không thể báo hiệu được. Ngoài việc chuyện trò để đỡ buồn ngủ, thì tác dụng của việc báo hiệu được cho nhau những chướng ngại vật, bất trắc hoặc tình huống khẩn cấp là rất cần thiết. Do đó, bất kì đội xe nào thường xuyên chạy theo đoàn, theo nhóm cũng cần có một phương tiện để liên lạc. Là biker thực thụ, người quản lý Joker Helmet Shop hoàn toàn hiểu được nhu cầu này của các đoàn xe và đã cất công tìm hiểu các loại sản phẩm phù hợp.
Trong suốt gần 6 năm bán hàng, Joker Helmet Shop đã tốn không ít tiền bạc và thời gian để thử qua rất nhiều loại thiết bị liên lạc bluetooth khác nhau: Vimoto V1098 (thế hệ đầu tiên của Vimoto), T-Com, Interphone V6, Blinc, Netphone V1_2A, Vimoto V3/V6/V8, Sena SMH10D/SMH10R/SMH20S, Cardo Packtalk, BT-S2 và Bluerider M1S. Chúng tôi sẽ viết bài chi tiết cho từng loại dần dần, và sản phẩm đầu tiên chúng tôi muốn nhắc tới hôm nay là Bluerider M1S.
Câu chuyện lịch sử
Sản phẩm Bluerider M1S đến với chúng tôi một cách rất tình cờ nhưng mối duyên không bắt đầu ngay từ phút giây chạm mặt đầu tiên, không phải là một tình yêu sét đánh 🙂 Bluerider là sản phẩm của công ty Dimton, 1 công ty nhỏ có trụ sở tại Đài Loan. Người sáng lập là người đã từng hợp tác tạo ra Vimoto V8, tuy nhiên vì lý do nào đó, người này bức xúc và ra đi, lập công ty riêng mang tên Dimton. Sản phẩm M1S được phân phối vào đại lục thông qua một công ty khác tại Thâm Quyến mà tôi không tiện nêu tên vì lý do bí mật kinh doanh (vâng, có nhiều đối tượng cạnh tranh không lành mạnh luôn âm thầm theo sát chúng tôi, tôi sẽ nói về điều này ở bên dưới). Vào đầu năm 2016, đại diện của công ty tại Thâm Quyến này đã liên lạc với tôi để chào hàng và giới thiệu về sản phẩm, tuy nhiên lúc bấy giờ phần giới thiệu của họ chưa khiến tôi có ấn tượng lắm so với sản phẩm Vimoto và Sena mà shop đang bán lúc đó.
Bẵng đi một thời gian, sau nhiều chuyến đi chung với đội Hanoi Knights Team, những khiếm khuyết của Vimoto V8 và Sena SMH10 mới dần bộc lộ. Đó là khoảng cách ngắn, công nghệ bắc cầu nếu bị đứt gãy kết nối ở giữa sẽ làm tách hội ra thành nhiều nhóm nhỏ khó kết nối lại, và nếu đang tham gia hội đàm thì không thể nghe nhạc cùng lúc mà phải ngắt khỏi nhóm hội đàm thì mới nghe nhạc được. Điều này rất phiền toái đối với người hay nghe nhạc khi chạy xe như tôi, và nếu tôi thoát khỏi nhóm thì lại không thể nghe được anh em thông báo gì. Với kinh nghiệm lập trình, quản lý hệ thống CNTT và chuyên review sản phẩm công nghệ lâu năm, tôi cảm thấy thật vô lý khi tính năng đơn giản như vậy mà các sản phẩm này lại không có, và tôi luôn giữ niềm tin rằng phải có một sản phẩm nào khác làm được điều đó giữa hàng trăm (vâng, thực sự là có đến hàng trăm) loại khác nhau đang có trên thị trường, với giá cả chấp nhận được. Lúc đó tôi mới chợt nhớ đến sản phẩm của công ty Thâm Quyến nọ, và quyết định nhập sản phẩm mẫu để thử nghiệm.
Những ưu điểm của Bluerider M1S
Sau khi sản phẩm về, tôi lập tức lắp lên mũ thay cho Sena SMH10 và dùng thử nghiệm trong các chuyến chạy với đội xe. Việc đầu tiên là tôi thử tính năng vừa nghe nhạc vừa kết nối bộ đàm ngoài qua dây nối. Sản phẩm này lập tức gây ấn tượng tốt bởi nó có thể vừa phát được nhạc thông qua bluetooth, vừa giúp tôi nghe/nói với bộ đàm thông qua dây cắm. Những ưu điểm của M1S có thể liệt kê như sau:
- Âm thanh to, rõ ràng, có bass, không bị thiên về âm mid nhiều như Sena nên nghe nhạc hay, nhưng nghe giọng nói lại kém hơn (vì âm mid giúp nghe giọng nói rõ hơn). Phần âm thanh này không có khác biệt về chất lượng so với Vimoto.
- Bluetooth 4.1 thay vì 3.0 như Vimoto, thực ra không quá quan trọng nhưng mới hơn thì cho chúng ta cảm giác thích thú hơn.
- Lỗ cắm Aux cho phép sử dụng mic để nói như Vimoto (Sena chỉ có thể dùng để nghe) nhưng lại cho phép sử dụng cùng lúc song song với bluetooth, trong khi Vimoto phải dừng bluetooth thì mới nghe được Aux và ngược lại. Tuy nhiên Vimoto lại có thể nghe được Aux kể cả khi tắt (trường hợp Vimoto bị hết pin thì bạn cắm dây vẫn dùng được bình thường). Đây là điểm duy nhất khiến M1S hơn các loại sản phẩm giá rẻ khác.
- M1S sử dụng phương pháp giả lập làm 1 máy điện thoại để kết nối tới bộ M1S khác làm intercom (tương tự như Universal Pairing của Sena), vì lý do đó nên M1S cũng có khả năng kết nối intercom với bộ bluetooth của hãng khác (xem video của chúng tôi làm mẫu ở bên dưới). Tuy nhiên, hạn chế là khi dùng cách này sẽ chiếm 1 kênh bluetooth nên khi dùng intercom sẽ chỉ nối được với 1 điện thoại nữa.
- Có khả năng nạp firmware: cái này hay, tuy nhiên không phải điều kiện tiên quyết bởi vì nhà sản xuất cũng không tung ra các bản cập nhật liên tục, có khi vài năm không có bản mới.
- Giá cả hợp lý ngang với Vimoto V8, tuy nhiên lại không đầy đủ phụ kiện bằng. Joker Helmet Shop hiểu rõ nhu cầu của anh em biker nên đã nhập thêm các phụ kiện thiếu để anh em có thể lựa chọn bổ sung dễ dàng.
Kết nối intercom với các máy M1S khác
Kết nối intercom với Vimoto
Kết nối intercom với tai nghe hãng khác
Và bên cạnh đó còn những nhược điểm…
Để đánh giá một cách công bằng thì không phải là M1S không có những nhược điểm và hạn chế của nó. Sản phẩm đầu tay của một công ty trẻ sẽ không thể tránh khỏi việc thiếu sót trong thiết kế. Những nhược điểm đó là:
- Thiết kế nút bấm quá chìm: Việc này tưởng chừng đơn giản, nhưng hóa ra lại là nhược điểm khá lớn. Với các nút bấm san sát nhau và không nhô cao hơn hẳn so với phần vỏ, nên khi đeo găng tay chúng ta sẽ rất khó có thể nhận biết được các nút, đặc biệt là 2 nút tăng giảm âm lượng. Điều này khá khó chịu khi đang chạy xe vì phải mò mẫm tìm nút. Đây là điểm kém hơn so với ngay cả Vimoto, còn với bánh lăn của Sena thì hoàn toàn không có cửa so sánh.
- Cách điều khiển chơi nhạc hơi rối: Ở phiên bản gốc, muốn tạm dừng hoặc phát tiếp bài hát thì chúng ta sẽ phải nháy đúp nút Volume+. Khi ta tăng âm lượng ta cũng phải nháy liên tục nút này và nó sẽ hiểu nhầm thành lệnh tạm dừng/phát nhạc. Sở dĩ nhà sản xuất phải làm vậy vì họ để dành nút M1S to nhất cho chức năng Siri (chỉ có tác dụng với iPhone). Ở Việt Nam thì lại ít người dùng Siri, nên nhận thấy sự bất cập này thì Joker Helmet Shop đã yêu cầu nhà sản xuất sửa lại firmware riêng cho shop để biến nút M1S thành nút tạm dừng/phát nhạc (play/pause). Lô hàng đầu tiên của shop không được cài phiên bản này nên nếu khách hàng có nhu cầu shop có thể hỗ trợ cập nhật.
- Các giắc nối loa và mic dễ tuột: Bộ loa và mic của M1S có các giắc nối không có chốt nên rất dễ bung, tuột khi đội và tháo mũ, khiến cho đôi lúc bị mất tiếng 1 hoặc cả 2 bên loa, hoặc không nói được vì tuột mic. Trường hợp này cũng xảy ra với Sena SMH10, nhưng do Sena chỉ dùng giắc để nối dây mic nên chỉ có thể tuột mic chứ không bị tuột loa.
- Không có phụ kiện ngoài: Nếu như Vimoto có thể khắc phục việc không nghe được 2 thiết bị cùng lúc bằng cách mua thêm phụ kiện (thậm chí phụ kiện ngoài của Vimoto cho phép kết nối thêm 3 thiết bị bluetooth, bộ đàm push-to-talk/walkie talkie, 1 thiết bị có dây và có nút điều khiển) thì M1S chẳng có phụ kiện phụ trợ nào.
- Không hỗ trợ FM: Việc bắt đài FM đôi khi cũng hữu ích nhất là khi chúng ta muốn nghe bản tin VOV Giao thông, tuy nhiên tính năng này có trên một số mẫu bluetooth giá rẻ hơn nhưng lại không có trên M1S.
- Cách thức kết nối intercom khá rắc rối: Đây là một việc khá khó và Joker Helmet Shop đã phải mất rất nhiều công nghiên cứu để hướng dẫn cặn kẽ cho khách hàng mỗi khi khách hàng cần hỗ trợ.
- Khoảng cách intercom thực tế đạt khoảng 120m: Theo nhà sản xuất quảng cáo khoảng cách là 500m, nhưng trên thực tế khoảng cách giữa 2 điểm đạt khoảng 120m, và khi nối 4 điểm thì khoảng cách từ điểm đầu đến điểm cuối là 480m. Điều này thực ra không có gì quá đáng bởi ngay cả sản phẩm cao cấp hơn như Sena SMH10 cũng chỉ đạt được tầm đó.
Các phiên bản của Bluerider
Tai nghe Bluerider có 4 phiên bản khác nhau: M1, M1 Evo, M1S và M1S Evo. Sự khác biệt giữa bản không có S và bản S khá xa, nhưng giữa bản Evo và không Evo lại không khác biệt lớn. Bản Evo chỉ khác ở chỗ có thêm cái kẹp sắt, mà theo tôi đây là một ý tưởng tồi nếu bạn gắn lên mũ bằng kẹp. Thứ nhất là nó rất dễ tuột. Thứ hai là kẹp này sẽ banh phần viền cao su của mũ ra lâu ngày có thể làm hỏng phần viền này. Thứ ba là không phải mũ nào cũng có phần viền mỏng để kẹp. Ngoài ra bản M1S Evo chỉ khác là pin tăng thêm một chút ít so với M1S (600mAh so với 900mAh nhưng chênh lệch đến gần 400k), nên sự khác biệt này không hữu ích và đáng giá so với giá tiền. Khi đã cân nhắc kỹ lưỡng tất cả các sự khác biệt thì Joker Helmet Shop đã đi tới quyết định chỉ nhập M1S vì đây là bản có tỉ lệ hiệu năng/giá tiền tốt nhất.

Câu chuyện bên lề
Gần đây, chỉ mới đầu tháng 12/2017 có một đơn vị tự xưng là nhà phân phối độc quyền M1S và lớn tiếng khẳng định họ là đơn vị duy nhất bán hàng chính hãng, các shop khác đều bán hàng tuồn nhà máy, hàng kém chất lượng. Joker Helmet Shop khẳng định đây là chiêu bài bẩn, hạ thấp đối thủ để nâng mình lên của đơn vị kia, và những thông tin đó hoàn toàn là dối trá bịa đặt. Joker Helmet Shop là đơn vị đầu tiên làm việc với Dimton Đài Loan, toàn bộ hàng bán ra là bản quốc tế với firmware tiếng Anh. Vào thời điểm trung tuần tháng 8/2017, Joker Helmet Shop có làm việc với Dimton để nêu ý tưởng sản xuất firmware tiếng Việt, điều này Joker Helmet Shop cũng có nhắc tới trong video được up trên YouTube từ nhiều tháng trước. Tuy nhiên, sau khi suy tính kỹ lưỡng, Joker Helmet Shop đã không tiếp tục việc đó, bởi như các bạn biết, firmware càng phân mảnh thì càng bị chậm cập nhật hơn so với bản gốc, giống như Android khi Google tung ra bản mới thì các nhà sản xuất phải mất nhiều tháng sau mới cập nhật được vì họ đã chỉnh sửa rất nhiều trên phiên bản cũ. Mà thực ra thì nghe Việt hóa to tát, chứ thực ra chỉ có 3 câu thông báo: Chào mừng khi bật máy, tạm biệt khi tắt máy và báo pin yếu. Cái giá phải trả cho 3 câu thông báo là chậm cập nhật, nên chúng tôi không tiếp tục làm. Đơn vị kia sau khi xem các video đánh giá của Joker Helmet Shop thì đã liên hệ với hãng để nhập và xin firmware tiếng Việt, đã chôm ý tưởng và thừa hưởng lại thành quả của Joker Helmet Shop bỏ lại nhưng lại lớn tiếng tuyên bố sản phẩm của họ mới chất lượng, còn shop khác là giả mạo và không hỗ trợ được về bảo hành??? Đơn vị này còn không biết xấu hổ khi tuyên bố họ mới là người cất công nghiên cứu những ưu nhược điểm của M1S so với các sản phẩm khác nhưng thực tế lại sử dụng lại những bài thử nghiệm và ý tưởng của Joker Helmet Shop đã đăng trong các video trên YouTube từ rất lâu rồi??? Để được nêu tên lên website của nhà sản xuất như một nhà phân phối không khó, chỉ cần đáp ứng được số lượng nhập vào đủ lớn như họ yêu cầu là xong, điều đó không có nghĩa rằng đơn vị được nêu tên là độc quyền và không có nghĩa là nhà sản xuất không được phép cung cấp hàng cho các đơn vị khác. Cũng cần nói rõ thêm rằng Dimton chỉ là một công ty nhỏ giữa hàng trăm công ty lớn ở Trung Quốc đang sản xuất tai nghe bluetooth, và đơn vị này sử dụng từ “tập đoàn” để gọi tên Dimton là một sự thiếu trung thực, để được mức tập đoàn như DJI, Xiaomi, Huawei… của Trung Quốc thì còn rất xa mới tới.
Thông thường, Joker Helmet Shop không bao giờ đụng chạm đến công việc kinh doanh của shop khác, nhưng trong trường hợp có đơn vị khác bịa đặt bóp méo sự thật như thế này thì chúng tôi có nghĩa vụ giải thích để khách hàng nắm được vì nó ảnh hưởng tới uy tín đã gây dựng bao năm qua của chúng tôi. Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng để chứng minh chúng tôi là đơn vị đầu tiên bán hàng chính hãng. Và liệu ở địa vị khách hàng, các bạn có yên tâm khi mua hàng của một đơn vị quảng cáo thiếu trung thực và đặt lợi nhuận lên trên hết như vậy không? Nếu đã từng mua hàng từ Joker Helmet Shop, hẳn ai cũng biết chúng tôi hỗ trợ kỹ thuật, đổi trả bảo hành tận tâm và có trách nhiệm cao như thế nào với sản phẩm mình bán ra.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đăng bài đánh giá những sản phẩm tai nghe và bộ đàm khác để giúp anh em có sự lựa chọn đúng đắn cho các chuyến chạy nhóm, chạy tour. Nếu cần được tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, đừng ngần ngại nhấc máy gọi 0947 60 90 85 để gặp Joker Helmet Shop. Sản phẩm đang có sẵn hàng với giá 1650k, bảo hành 6 tháng và hỗ trợ kỹ thuật trọn đời.