Hướng dẫn chọn mũ bảo hiểm, cách tính size và những quan niệm sai lầm về mũ

Đa số chúng ta khi đã quen với những loại “mũ bảo hiểm” thời trang dạng mũ lưỡi trai 50k thì khi mua mũ bảo hiểm chuẩn sẽ cảm thấy rất bối rối. Những câu hỏi mà chúng tôi thường xuyên phải nghe ngày này qua tháng khác đó là “Sao mũ to thế”, “Sao mũ nặng thế”, “Mũ này đội có vẻ chật, có cái nào rộng hơn không”. Tuy nhiên, các bạn cần phải nắm được những điều sau:

– Mũ bảo hiểm tốt là phải có đầy đủ các thành phần: Vỏ mũ bằng chất liệu tốt ở ngoài (1), lớp hấp thụ chấn động bằng xốp cứng ở giữa (2) và lớp lót bằng mút xốp mềm trong cùng (3). Các mũ đạt tiêu chuẩn an toàn thì sẽ có lớp thứ (2) dầy, do đó làm tăng kích thước bên ngoài của mũ. Các mũ chất lượng kém thường có lớp này mỏng dính hoặc không có luôn.

– Lớp thứ 2 có đặc tính biến dạng và bẹp ngay sau khi hấp thụ chấn động. Do đó, nếu mũ đã bị va chạm thì nên thay vì bên ngoài có thể nhìn vẫn bình thường, nhưng bên trong đã bẹp hết. Và vì lý do này nên cũng cần phải tránh việc test thử mũ bằng cách đấm hay ấn mạnh vào lòng mũ vì chấn động đó có thể làm biến dạng lớp xốp. Một số nguồn hướng dẫn cách test thử mũ bằng cách ấn mạnh xem lót xốp cứng mới là tốt như vậy là sai hoàn toàn.

YouTube player

– Lớp vỏ ngoài của mũ: Thường được làm bằng các vật liệu như nhựa ABS, polycarbonate, sợi thủy tinh, sợi kevlar, sợi carbon hoặc kết hợp các loại. Vỏ mũ phải càng bền, càng khó vỡ càng tốt. Nhựa tốt thì thường nặng, còn nếu vừa tốt vừa nhẹ thì rất đắt tiền. Các loại sợi kể trên khi trộn vào nhựa sẽ tạo thành những liên kết bền vững khó bị phá vỡ hơn, nhưng cần công nghệ cao hơn để chế tạo, do đó cũng đắt tiền hơn. Các loại mũ chuẩn thường có trọng lượng dao động từ 1,5 đến 1,8kg, còn các loại mũ cao cấp siêu nhẹ cũng chỉ xuống đến khoảng 1,3kg, nghĩa là sẽ vẫn tương đối nặng nếu các bạn đang quen đội các loại mũ rẻ tiền, mũ nửa đầu.

– Kính của mũ: Có rất nhiều người hay đặt câu hỏi như “Kính này xe ngược chiều rọi vào có chống lóa không”, “Kính đen kính gương đi tối có được không”, “Kính này đi mưa có bị đọng nước không”, “Kính này có phải kính giảm tốc không”. Xin thưa luôn như sau:

  • Kính tốt khi sản xuất thì mục tiêu là phải không cản tầm nhìn, và như thể không có cái gì đang cản trước mắt. Vì vậy kính tốt là mắt nhìn như nào thì qua kính cũng như vậy. Đèn pha mà rọi thẳng mặt thì kính trong suốt không bao giờ cứu được, trừ kính chống nắng (kính râm, kính gương) nhưng làm gì có ai bật đèn pha vào ban ngày hay đeo kính chống nắng vào buổi tối.
  • Kính đen và kính gương sinh ra là để giảm độ chói của ánh nắng, cản bớt ánh sáng giúp cho mắt không bị chói, lóa. Do đó đi buổi tối thì đương nhiên là như mù dở. Chuyện rất logic, chẳng ai đeo kính râm ra đường vào buổi tối cả, nhưng thật ngạc nhiên là cực kì nhiều người hỏi.
  • Kính xịn hay kính đểu thì cũng đọng nước hết. Đến cả kính ô tô, kính siêu xe như Lamborghini thì cũng phải có cái gạt nước. Xịt hóa chất lên có thể giúp được 1 phần mà thôi, nhưng lâu dài hại kính.
  • Không có thứ kính thần kì ma thuật nào gọi là kính giảm tốc cả. Tất cả chỉ là cảm giác, bởi khi có kính chắn gió táp vào mặt thì bạn sẽ không cảm thấy mình đang chạy nhanh. Và cũng vì lý do đó nên kính dù lởm hay dù xịn thì đều chắn được gió cả, mà cứ chắn được gió là sẽ có cảm giác “giảm tốc”, đừng hỏi là kính này hay kính kia có giảm tốc không.

– Khóa mũ: Nhiều người chỉ nhất quyết mua mũ có khóa Double D-ring và cho rằng khóa cài Quick Release là kém an toàn hơn. Đó là quan niệm sai lầm. Thông thường, các mũ bán ở châu Âu hay có khóa cài Quick Release. Khóa cài Quick Release tốt thường kẹp rất chặt và có nhiều lần răng nên muốn nó bung ra được thì trừ khi có cái gì đó ngoắc vào dây kéo làm kẹp mở ra, chứ giật không bao giờ ra trừ khi lực giật lên đến hàng trăm cân. Khả năng xảy ra trường hợp tuột khóa chắc chỉ 0,001%, nên nếu bạn cực kì chi li cẩn thận thì mới không chọn Quick Release.

Size thế nào thì vừa?

Để đo size đầu, bạn cần 1 sợi dây hoặc thước dây, quấn quanh trán ngay trên lông mày để đo vòng đầu. Kích thước sẽ như bảng bên trên. Mũ vừa khít sẽ ôm sát da đầu, má sẽ bị bóp hóp lại, khi lắc đầu sẽ thấy mũ chuyển động song song với đầu chứ không bị lệch hay trễ. Thường thì bên dưới mũ bao giờ cũng nhỏ hơn trong lòng, nên lúc đội phải banh ra một chút và hơi khó để đút vào, nhưng như thế không có nghĩa là mũ chật. Nếu đút vào cởi ra dễ dàng thì có nghĩa là mũ cũng sẽ văng ra dễ dàng. Chỉ trong trường hợp bạn đội thấy bị bóp đến mức hoa mày chóng mặt thì mới là chật quá.

Tuy nhiên, ngoài vòng đầu, còn có 1 yếu tố mà ít được các nhà sản xuất nhắc đến, đó là hình dạng đầu (head shape). Người Châu Âu thường có đầu nhỏ, dài, hoặc trán nhô ra, gọi là long-oval. Các loại mũ có lòng dạng long-oval thường sẽ có cảm giác size bị nhỏ hơn mũ khác do bị hẹp chiều ngang. Nếu đầu bạn dạng tròn mà đội mũ long-oval thì dễ bị nhức đầu. Các loại mũ có lòng long-oval tiêu biểu có thể kể đến như LS2, AGV, Scorpion… Đó là lý do nhiều hãng mũ có thêm phiên bản Asian Fit để hợp với dạng đầu tròn của người Châu Á.

Vẫn còn rất nhiều những kiến thức mà Joker Helmet Shop rút ra được trong quá trình nhiều năm chơi xe và bán hàng mà không thể nói hết trong khuôn khổ 1 bài viết. Hãy đọc những bài cũ chúng tôi đã chia sẻ và bookmark lại địa chỉ này, cho phép website gửi thông báo và subscribe kênh YouTube của shop để không bỏ lỡ những bài viết mới, video mới các bạn nhé.

Jolly Joker.

Tagged